Home HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ Tọa đàm “Nhà xuất bản Mai Lĩnh, vàng son một thuở”
Tọa đàm “Nhà xuất bản Mai Lĩnh, vàng son một thuở” PDF. In Email

Ngày 7/4, Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng tổ chức tọa đàm tháng 4 với chủ đề: “Nhà xuất bản Mai Lĩnh, vàng son một thuở” tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG), 31 Tràng Thi, Hà Nội. Buổi tọa đàm đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo của các nhà nghiên cứu, bạn đọc, nhiều thành viên của Câu lạc bộ (CLB) và cộng đồng gia tộc Mai Lĩnh. Không chỉ khách mời, một số bạn quan tâm hay tin, đã chủ động đến tham gia.

Tham dự tọa đàm, về phía thư viện có ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó giám đốc TVQG, ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện VN, ông Phạm Thế Khang - nguyên Chủ tịch hội Thư viện VN. Về phía diễn giả có các nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, Kiều Mai Sơn, các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Vũ Từ Trang, Nguyễn Mạnh Tuấn, TS Mai Hương, KS Đỗ Thái Bình. Về phía khách mời có bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ cùng các bạn đọc, thành viên gia đình Mai Lĩnh, CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng… Tổng cộng tới gần 100 người.

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Dũng thay mặt TVQG lên phát biểu chào mừng và chia sẻ thông tin về 149 ấn phẩm của NXB Mai Lĩnh hiện được lưu trữ tại TVQG. Đặc biệt ông cho biết, trong đó có cuốn “Sổ lập thành thước vuông tây sang ruộng Annam”. Được xuất bản năm 1925 với 28 trang, trong đó có vài trang minh hoạ, đây có thể là ấn phẩm đầu tiên của nhà Mai Lĩnh, do chính ông Đỗ Xuân Mai, một thành viên thuộc thế hệ thứ hai của gia tộc biên soạn.

Tiếp theo TS Mai Hương chia sẻ những khó khăn và thuận lợi trong việc biên soạn cuốn sách Nhà xuất bản Mai Lĩnh, in lần đầu tiên năm 1997 với sự giúp đỡ của Viện Văn học. TS Mai Hương cho biết: “Để bắt đầu, tôi đi sâu khảo sát kho tư liệu của Viện Văn học, Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội. TVQG. Đồng thời mày mò tìm đến các nhà nghiên cứu, nhà văn, các chuyên gia từng sống và hoạt động văn học báo chí cùng thời với NXB Mai Lĩnh, như ông Lê Giản, nguyên Giám đốc Nha Công an Bắc Bộ, Chánh án Tòa án Tối cao, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; nhà giáo Nguyễn Lân; nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh; nhà văn Ngô Văn Phú... để tìm hiểu và đặt viết bài…”

Tiếp đến nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân chia sẻ tư liệu về một số tác giả có ấn phẩm in tại nhà Mai Lĩnh. Ông nhấn mạnh về sự hợp tác rất gắn bó của nhà văn Ngô Tất Tố và gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng với nhà Mai Lĩnh.

Trong phần trình bày của mình, nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn nêu bật những đóng góp của NXB Mai Lĩnh với nền xuất bản Việt Nam thời 1930-1945, đồng thời cho biết ấn phẩm Việt Nam máu lửa của Nghiêm Kế Tổ đã được chính Mai Lĩnh in tại Sài Gòn tháng 10/1954. Đây là một tác phẩm viết về cách mạng Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, có đề cập đến công lao to lớn của Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh một cách rất trân trọng.

Tham luận của nhà văn Vũ Từ Trang chia sẻ với cử tọa về tinh thần Mai Lĩnh với công cuộc khai dân trí với tiêu chí cái gì có lợi cho dân tộc cho dân thì in, không tính đến lời lỗ. Với chủ trương đó, NXB Mai Lĩnh đã triển khai hệ thống đại lý trải khắp đất nước với gần 200 điểm, để đưa các ấn phẩm của mình đi khắp đất nước và còn vươn tới Lào, Campuchia.

Ông Đỗ Thái Bình, cháu nội cụ Đỗ Văn Phong đã giới thiệu tỉ mỉ hành trình cụ bị bắt đi đầy, sau đó đã tìm cách vượt ngục từ Guyane về miền đất Nam Bộ.  Tại đây cụ tiếp tục hoạt động cách mạng trong những năm 1920, đồng thời nhen nhóm ý tưởng lập các cơ sở sản xuất, thương mại mang tên Mai Lĩnh, trong đó có NXB Mai Lĩnh. Chính vì thế mà cụ Đỗ Văn Phong được gia tộc coi là tổ của đại gia đình Mai Lĩnh và thương hiệu Mai Lĩnh!

Trong tham luận của mình, nhà văn Hoàng Quốc Hải nói lên sự năng động của nhà Mai Lĩnh trong việc đặt hàng tác phẩm với các nhà văn đương thời. Ông đã kể lại câu chuyện chính nhà văn Ngô Tất Tố được NXB Mai Lĩnh đặt hàng để viết Tắt đèn ngay từ khi cuốn sách còn chưa hình thành bản thảo.

Chủ nhiện CLB Phạm Thế Cường đã chia sẻ thêm về những tác phẩm của nhà Mai Lĩnh in sau 1946 ở ngoài Bắc và trong Nam. Ông cho biết trong những năm Hà Nội bị tạm chiếm, ông Đỗ Xuân Mai đã cùng gia đình phục hồi NXB Mai Lĩnh, nhưng cũng chỉ được hơn hai năm (đầu 1950 đến cuối năm 1952). Sau đó vào Sài Gòn, NXB Mai Lĩnh lại tiếp tục hoạt động trong năm năm, từ 1954 đến cuối năm 1959. Phần thuyết trình được minh họa bằng hình ảnh những ấn phẩm sưu tầm được, có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm xuất bản, cho thấy công phu và tâm huyết của người yêu sách.

Vì hạn chế về thời gian nên chỉ có 12 trong số 19 người đăng ký tham luận và phát biểu nên buổi tọa đàm đành phải dừng lại lúc 11g40 (quá thời gian dự kiến 10 phút). Thật tiếc vì còn biết bao câu chuyện về những đóng góp của NXB Mai lĩnh cùng gia tộc họ Đỗ với công cuộc mở mang dân trí theo tinh thần Đông Kinh nghĩa thục, cũng như sự góp phần vào tiến trình phát triển của ngành xuất bản Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử của đất nước với tiêu chí: Không sợ cường quyền và cái gì có lợi cho dân tộc cho đất nước thì làm” chưa đến được với người tham dự.

Khép lại buổi tọa đàm, ông Phạm Thế Khang nhân danh Hội Thư viện Viện Nam phát biểu cám ơn CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã tổ chức buổi tọa đàm thành công với nhiều ý nghĩa, gây cảm hứng cho bạn đọc và những người yêu sách nói chung. Chúc CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn nữa vào việc quảng bá văn hóa đọc đến với mọi nhà, mọi người.

Nhân dịp này CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng cũng đã tặng 100 đầu sách thiếu nhi cho Thư viện tư nhân Hallo World của nhóm anh Nguyễn Quốc Tuấn ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội và chúc Thư viện phục vụ bạn đọc ngày một chất lượng hơn.

Dư âm cuộc tọa đàm còn tiếp tục lan tỏa với sự bày tỏ cảm xúc của các đại biểu, khách mời, bạn đọc trong lúc chia tay. Tất cả toát lên niềm phấn khởi của những người đến tham dự đã góp phần vào thành công tốt đẹp của cuộc tọa đàm và mong muốn còn có dịp được dự nhiều “cuộc” khác nữa do CLB tổ chức trong thời gian tới…

Một số hình ảnh cùng sự kiện:

2018-04-17-nxb-mailinh 03 

Quang cảnh buổi Tọa đàm

2018-04-17-nxb-mailinh 02

Ông Nguyễn Xuân Dũng- Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia VN phát biểu ý kiến

2018-04-17-nxb-mailinh 04 

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân phát biểu ý kiến

2018-04-17-nxb-mailinh 05 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu ý kiến

 2018-04-17-nxb-mailinh 06

Chủ nhiệm CLB người yêu sách Phạm Thế Cường chia sẻ về NXB Mai Lĩnh

2018-04-17-nxb-mailinh 07 

Ông Phạm Thế Khang, nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Viện Nam phát biểu ý kiến

 2018-04-17-nxb-mailinh 08

Các đại biểu dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm với gia đình Nhà Mai Lĩnh và CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng

__________

Hồng Mây

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2021-dl-ads-1

saomai-logo-final