Home Tin tức Viện Thông tin KHXH thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức Hội thảo quốc tế “Lịch sử sách ở Việt Nam”.
Viện Thông tin KHXH thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức Hội thảo quốc tế “Lịch sử sách ở Việt Nam”. PDF. In Email

Được sự đồng ý Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; được sự tài trợ của Viện Harvard-Yenching cùng Trung tâm Châu Á thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ); trong 2 ngày 24 và 25/5/2018, tại Hà Nội, Viện Thông tin KHXH chủ trì; phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức Hội thảo quốc tế “Lịch sử sách ở Việt Nam”.

Đến dự Hội thảo có PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, GS. Huệ - Tâm Hồ Tài (Đại học Harvard), cùng các học giả quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc (bao gồm Hong Kong và Đài Loan), Nhật Bản và Singapore.

Đến dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo; đại biểu và các học giả đến từ Ban Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý khoa học, Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Thông tin KHXH, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Ths Nguyễn Hữu Giới-Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; đại diện Vụ Thư viện, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL); Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN); Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I; Thư viện Quốc gia VN; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Văn hóa Hà Nội; Bảo tàng Bắc Giang; Văn phòng Đại diện EFEO tại Hà Nội.

Về phía Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường đại diện cho Viện Thông tin KHXH (đơn vị chủ trì hội thảo), TS. Nguyễn Tuấn Cường đại diện cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm (đơn vị đồng tổ chức).

Trong diễn văn khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các học giả quốc tế tham dự và cùng thảo luận về lịch sử sách (được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) ở Việt Nam. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khẳng định ý nghĩa của hội thảo đối với sự phát triển và hội nhập quốc tế của Thư viện KHXH nói riêng và của hệ thống thư viện thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nói chung.

Hội thảo đã nhận được 18 bài tham luận. Trong hai ngày hội thảo, dưới sự chủ trì của GS. Huệ - Tâm Hồ Tài và PGS.TS. Vũ Hùng Cường, 15 bài tham luận đã được trình bày và trao đổi. Kỷ yếu hội thảo có thể được tham khảo tại Thư viện KHXH. Các tham luận là kết quả bước đầu của quá trình khảo cứu, nghiên cứu công phu các văn bản cổ bằng chữ Hán và chữ Nôm: thi tập, họa đồ, thư tịch, loại thư… ở các dạng bản mộc, bản khắc, bản in, bản chép tay: (Vãng) Bắc sứ thi tập, Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ, Thánh mô hiền phạm lục, Lĩnh Nam bản thảo, Hương Sơn bảo quyển, Hoàng Việt dư địa chí, Tấn thân toàn thư, Vân đài loại ngữ… Đây là tác phẩm của những học giả, nhân vật nổi tiếng như Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Công Hãng, Trần Quang Chỉ, Duy Minh Thi…

Trên cơ sở nội dung các tham luận, các học giả đã trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ bối cảnh chung về lịch sử sách ở Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu từ nhiều chiều cạnh khác nhau. Các học giả cũng chia sẻ các hướng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu mới tại hội thảo.

GS. Huệ - Tâm Hồ Tài đã ghi nhận những đóng góp của các học giả, các nhà khoa học trong việc khẳng định vai trò của sách đối với đời sống con người, không chỉ để lưu giữ các giá trị truyền thống mà còn cung cấp tri thức, giáo dục tình cảm, đạo đức, ý thức thẩm mỹ; trong việc làm rõ mối quan hệ của sách đối với truyền thống văn hóa và đặc biệt là góp phần thay đổi quan điểm hiện tồn về bức tranh xuất bản trong lịch sử ở Việt Nam, vốn được cho là chịu nhiều ảnh hưởng từ nước ngoài.

Phát biểu Bế mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường đã nhấn mạnh chất lượng khoa học của các bài tham luận hội thảo, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, tri thức uyên thâm của các học giả; khẳng định sự thành công của xuất bản phẩm tập hợp các công trình nghiên cứu được công bố tại hội thảo sẽ ra mắt trong thời gian sắp tới. PGS.TS. Vũ Hùng Cường mong muốn, nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, đặc biệt là các kho tư liệu cổ, quý hiếm hiện lưu trữ tại Thư viện KHXH có thể tiếp tục đóng góp, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật của các nhà khoa học. PGS.TS. Vũ Hùng Cường cũng bày tỏ cảm ơn GS. Huệ - Tâm Hồ Tài đã lựa chọn Viện Thông tin KHXH là đơn vị tổ chức hội thảo, hy vọng GS. Huệ - Tâm Hồ Tài cùng các học giả sẽ dành nhiều cơ hội hợp tác mới cho Viện Thông tin KHXH trong bối cảnh Viện đang nỗ lực hiện đại hóa thư viện, xây dựng mô hình thư viện trung tâm - thư viện thành viên, xây dựng các cơ sở dữ liệu - thư mục chú trọng năng lực chia sẻ với các thư viện, cơ quan nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học ở nước ngoài.

Bên lề Hội thảo, các học giả, chuyên gia nghiên cứu đã có chuyến đi khảo sát văn hóa tại Bắc Giang; một số học giả đã gửi tặng sách cho Thư viện KHXH; Thư viện KHXH đã tổ chức trưng bày một số tài liệu cổ, có giá trị tham khảo như: Atlas bản đồ thế giới, Mô tả lịch sử Nam Kỳ, Lịch sử An Nam, Quốc sử lược, An Nam ký, An Nam lai trạng, Hà lạc lý số…

Hội thảo là sự gặp gỡ giữa quan điểm phát triển nguồn lực tư liệu khoa học xã hội của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và chủ trương kết nối tri thức Đông - Tây của Viện Harvard - Yenching và Trung tâm Châu Á thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích của các học giả, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam về chủ đề hữu ích, đó là: Lịch sử sách ở Việt Nam./.

Một số hình ảnh cùng sự kiện.

 2018-05-28-ht-lich-su 02

Quang cảnh Hội thảo

2018-05-28-ht-lich-su 03 

PGS.TS. Bùi Nhật Quang,  Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu Khai mạc Hội thảo

2018-05-28-ht-lich-su 04 

PGS.TS. Bùi Nhật Quang; GS. Huệ -Tâm Hồ Tài và PGS.TS. Vũ Hùng Cường đang điều hành Hội thảo

 2018-05-28-ht-lich-su 05

2018-05-28-ht-lich-su 06

2018-05-28-ht-lich-su 07

Các đại biểu và học giả tham luận và trao đổi ý kiến

 2018-05-28-ht-lich-su 08

Các đại biểu tham quan các ấn phẩm được xuất bản từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 ở Việt Nam, do Viện Thông tin KHXH Việt Nam  lưu trữ

 2018-05-28-ht-lich-su 09

Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng các đại biểu khách quốc tế; các học giả; các nhà nghiên cứu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 ___________

Bài và ảnh: Ngô Thị Mai Diên (Viện Thông tin KHXH Việt Nam)

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2022-kipos-ads-2

2021-dl-ads-1

2018-ted-ads-1

saomai-logo-final