Sách - Tri thức và sự phát triển quốc gia |
Những khía cạnh thể hiện văn hóa đọc của một quốc gia là: số lượng sách xuất bản hằng năm, doanh thu của ngành xuất bản, số bản sách bình quân đầu người, thời gian đọc sách trung bình của người dân, cũng như thói quen đọc sách và cách họ thể hiện tình yêu, sự quan tâm đến sách trong đời sống hằng ngày. Song trên tất cả, văn hóa đọc ấy phải đóng góp cho sự phát triển của mỗi cá nhân và là động lực để quốc gia xây dựng và thực hiện chiến lược về kinh tế - văn hóa - xã hội. Sau đây là những quốc gia quan tâm đến sách và văn hóa đọc nhiều nhất thế giới. 1. Nhật Bản
Trên những chuyến tàu điện ngầm ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy hình ảnh này thay vì cảnh tượng người dân chúi mặt vào màn hình điện thoại. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Người Nhật nổi tiếng với tính kỷ luật, tinh thần tự lực tự cường, ham học hỏi. Nền xuất bản ở Nhật hiện nay phát triển hàng đầu châu Á dựa trên nền tảng văn hóa đọc lâu đời và tinh thần khuyến học mạnh mẽ từ nhiều thế kỷ trước. Ở Nhật hiện nay có khoảng 3.700 nhà xuất bản. Trong khoảng10 năm qua, mỗi năm các nhà xuất bản ở Nhật đưa ra thị trường từ 70.000 đến 80.000 đầu sách mới với 1,1 đến 1,3 tỉ bản in nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của công chúng. Trong năm 2014, người dân Nhật đã chi 785 tỉ yên cho việc mua sách các loại. Theo thống kê của World Culture Score Index, trung bình mỗi người dân Nhật dành 4 giờ 6 phút cho việc đọc sách mỗi tuần. Theo một nghiên cứu khác năm 2011, hơn một nửa số người dân Nhật Bản đọc ít nhất 1 quyển sách/1 tháng. Điều đó cho thấy, mặc dù CNTT phát triển với nhiều hình thức giải trí khác nhau, người Nhật vẫn giữ được thói quen đọc sách đáng quý. Họ đọc sách trong lúc rảnh rỗi, trước khi đi ngủ, khi đi trên các phương tiện công cộng hay buổi trưa. Để đáp ứng cho nhu cầu đọc đa dạng, Nhật Bản có 14.241 nhà sách trên khắp đất nước với quy mô từ nhỏ đến lớn, thậm chí có cả các nhà sách nhỏ trong lòng đất phục vụ cho khách đi tàu điện ngầm v.v….. Hai hệ thống nhà sách lớn của Nhật là Tsutaya và Kinokuniya trưng bày hàng vạn đầu sách thuộc mọi thể loại, với nhiều ngôn ngữ khác nhau cho độc giả thỏa thích lựa chọn. Người Nhật cũng thường xuyên đọc sách ở các thư viện như: Thư viện quốc gia, thư viện công cộng, thư viện các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, thư viện chuyên ngành - nơi có đầy đủ các loại sách phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, phục vụ cho công việc. Các lễ hội sách được tổ chức trong năm là dịp để độc giả Nhật Bản, đặc biệt là trẻ em thỏa mãn đam mê đọc sách. Năm 1947, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản còn đang phải đối mặt với hậu quả thảm khốc của chiến tranh, nhưng Tuần lễ đọc sách (Book reading week) vẫn được tổ chức, cho thấy niềm tin vào việc sử dụng tri thức, trí tuệ con người để xây dựng đất nước của đất nước mặt trời mọc. Đây chính là chiến lược của Nhật Bản nhằm đi tắt, đón đầu những thành tựu khoa học để ứng dụng vào sản xuất. Và sau đó, thế giới đã được chứng kiến hiện tượng “Thần kỳ Nhật Bản”. Ngày nay, Tuần lễ đọc sách thường diễn ra từ ngày 27 tháng 10 đến 9 tháng 11 hằng năm nhằm hưởng ứng Ngày Văn hóa (Culture Day - 3 tháng 11). Tuần lễ sách thiếu nhi (Book reading week for children) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1959 và vẫn được duy trì hơn nửa thế kỷ qua. Từ năm 2000 đến nay, hằng năm, tuần lễ sách này được tổ chức trong 3 tuần, từ ngày 23 tháng 4 đến 12 tháng 5. Tại đây, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm tạo sự hứng khởi cũng như không gian để trẻ em tiếp xúc với sách, yêu sách, đọc sách, mua sách. Độc giả nhí ở Nhật còn có riêng Năm đọc sách dành cho thiếu nhi (The year of book reading for children), tổ chức từ năm 2000, nhằm hỗ trợ các hoạt động đọc sách của trẻ em với sự ra đời của Thư viện quốc tế dành cho trẻ em (trực thuộc Thư viện quốc gia). Chính phủ Nhật Bản cũng xây dựng “kế hoạch tổng thể thúc đẩy việc đọc sách của trẻ em”. Ngoài ra, chương trình Đọc sách buổi sáng (Morning book reading) cũng đang triển khai ở 28.000 trường học các cấp. Vào mỗi buổi sáng, các em sẽ dành 10 phút để đọc cuốn sách tự chọn trước khi bắt đầu vào học. Tháng 3-2011, Nhật Bản đối mặt với thảm họa kép: Động đất, sóng thần và nổ nhà máy điện hạt nhân. Các nhà xuất bản cùng với Hiệp hội xuất bản và các công ty đã thực hiện dự án quyên góp 184.000 cuốn sách gửi tới các vùng sơ tán Iwate, Miyagi và Fukushima. Ngoài ra, các thư viện cũng được thành lập, trong đó nổi bật nhất là thư viện Cầu vồng và dự án Sách cho ngày mai, được triển khai thông qua thư viện lưu động trên xe bus đưa sách đến các vùng bị thiệt hại và hoạt động tặng sách cho thư viện trường học nhằm tái tạo môi trường đọc sách cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Điều đó đã truyền đi thông điệp: Đọc sách để tái sinh, để vượt qua thử thách và xây dựng đất nước. Một trong những lý do khiến người Nhật yêu sách, đam mê sách có lẽ bắt nguồn từ thói quen đọc sách từ thuở ấu thơ. Một trong những lý do giúp nước Nhật phát triển, trở thành quốc gia văn minh, hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay chính là chiến lược con người dựa trên nền tảng giáo dục mà công cụ chính của nó là sách. 2. Ixraen Ixraen nằm ở khu vực Trung Đông, dân số khoảng 8.500.000 người. Đây là quê hương của người Do Thái, dân tộc được tôn vinh là thông minh nhất thế giới. Hiện nay, người Do Thái có khoảng 13,8 triệu người trên toàn thế giới1 nhưng chiếm gần 40% số người đoạt giải Nobel. Ixraen là quốc gia trân trọng sách nhất thế giới. Theo Báo cáo phát triển con người của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), mỗi năm, một người Ixraen đọc trung bình 40 cuốn sách. Đồng thời đây cũng là quốc gia có tỷ lệ người trẻ tuổi đọc sách cao nhất thế giới. Ở Ixraen có khoảng trên 1.600 nhà xuất bản và các tổ chức xuất bản, mỗi năm cung cấp cho độc giả trên 8.000 đầu sách. Người Do Thái chủ yếu đọc sách bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Hebrew) với tỷ lệ trên 80%, còn lại là các ngôn ngữ khác như: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Arập, tiếng Pháp, tiếng Đức,... Trong đó, sách dành cho trẻ em thường xuyên chiếm tỷ lệ cao trong tổng số sách xuất bản hằng năm.
Người Do thái đọc sách không chỉ lấy kiến thức-biểu biết, mà còn là hình thức tẩy rửa tâm linh Một trong những nét đẹp văn hóa cũng như nguồn gốc hình thành tài sản trí tuệ của người Do Thái chính là thói quen đọc sách. Người Do Thái quan niệm rằng, tài sản quý nhất của con người là trí tuệ và cách tốt nhất để hun đúc tài sản đó chính là đọc sách. Từ khi còn rất nhỏ, trẻ em Do Thái đã được cha mẹ tập cho thói quen đọc sách, yêu quý sách như một món quà vừa ngọt ngào vừa quý giá. Cha mẹ sẽ đọc sách cùng con mỗi ngày, thường là vào buổi tối. Trẻ được giải thích cặn kẽ và đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi hiểu thấu đáo những điều trong cuốn sách. Khung cảnh thường gặp trong các gia đình Do Thái là cha mẹ và con cái cùng đọc sách, hoặc những em nhỏ thường xuyên cầm cuốn sách trên tay mặc dù chưa biết chữ. Sau này, khi trưởng thành, thành đạt, người Do Thái vẫn giữ thói quen tranh thủ đọc sách từng giờ, từng phút. Đọc sách là lẽ sống của dân tộc này, mang lại cho họ sự thông minh, sáng tạo và thành công trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, công nghệ đến nghiên cứu khoa học. Sự xuất hiện của một quốc gia thần kỳ về công nghệ được thế giới ngưỡng mộ trong thời gian qua là kết quả tất yếu của hành trình tìm kiếm, trau dồi tri thức mà mỗi người dân Ixraen đã rèn giũa từ thuở ấu thơ cùng với thói quen đọc sách. Cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Ixraen nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của Thời báo New York năm 2010 và đã được dịch sang tiếng Việt. 3. Pháp Pháp là quốc gia có nền công nghiệp xuất bản phát triển hàng đầu thế giới. Hiện nay ở Pháp có khoảng 10.000 nhà xuất bản. Người dân Pháp có truyền thống thích đọc sách. Không những thế, họ luôn tự hào về những tác phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng trên khắp thế giới ra đời từ nền văn học Pháp. Theo thống kê của World Culture Score Index, trung bình, mỗi người dân Pháp dành 6 giờ 54 phút đọc sách mỗi tuần. Để đáp ứng nhu cầu đọc rất lớn của độc giả, các nhà xuất bản Pháp mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 60.000 đến trên 80.000 đầu sách. Bình quân mỗi người dân Pháp đọc khoảng 20 cuốn sách/một năm. Ngoài loại sách in khổ thông thường, độc giả Pháp còn ưa chuộng loại sách bỏ túi bởi chúng tiện mang theo để đọc ở các điểm công cộng như nhà ga, sân bay, tàu điện ngầm,... Bên cạnh sách giấy, sách điện tử cũng là lựa chọn với rất nhiều độc giả khi công nghệ ngày càng phát triển và việc sở hữu những thiết bị đọc như máy đọc sách, ipad, điện thoại thông minh,... ngày càng dễ dàng. Năm 2014, trong tổng số tiền 2.517 triệu Euro được người dân Pháp chi tiêu cho việc mua sách, phần dành cho sách điện tử đã lên đến 161,4 triệu Euro, chiếm 6,4% doanh thu toàn ngành xuất bản và tăng 56% so với năm 2013. Những thể loại sách mà độc giả Pháp quan tâm và lựa chọn nhiều bao gồm: tiểu thuyết (chiếm 24,9% doanh thu), sách dành cho thanh thiếu niên (14,2%), sách phát triển bản thân (13,2%), sách giáo khoa (12,2%), sách nhân văn (10,3%), truyện tranh (9,3%). Các tác giả được yêu thích nhất ở Pháp hiện nay là Guillaume Musso - tác giả có tới 1.567.500 bản sách đã bán ra, Marc Levy với 1.509.000 bản sách, Katherine Pancol với 1.213.000 bản sách,... Ngoài sách của các tác giả trong nước, độc giả Pháp cũng đọc nhiều sách dịch từ tiếng nước ngoài. Năm 2014, đã có 12.527 đầu sách được dịch từ các ngôn ngữ: Anh, Nhật, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Nga, Hà Lan, Arập, Hàn Quốc,... để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của độc giả Pháp.
Trong một không gian của Thư viện Quốc gia Pháp ở Thủ đô Paris Là cái nôi của văn học và nghệ thuật thế giới, Pháp rất coi trọng những đóng góp của sách đối với việc bảo tồn và mở rộng tầm ảnh hưởng về văn hóa. Trong chiến lược phát triển văn hóa quốc gia, Chính phủ Pháp đã thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích đọc sách, đồng thời bảo vệ những nhà sách nhỏ bằng luật một giá, nhờ đó đã duy trì được những điểm bán sách nhỏ, duy trì sự đa dạng của các nhà xuất bản và bảo vệ sự đa dạng văn hóa…. ________________ Nguyễn Thanh Tùng - Trần Thị Quyên Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh Bài đã đăng trên: www.nxbctqg.org.vn/ (Thứ tư, ngày 26 Tháng 4 năm 2017). Số liệu dẫn từ nguồn: Berman Jewish DataBank: World Jewish Population, 2013 (http://www.jewishdatabank.org/studies/downloadFile.cfm?fileid=3113).
|