Home Tin tức Thúc đẩy toàn xã hội tham gia xây dựng thư viện, tủ sách
Thúc đẩy toàn xã hội tham gia xây dựng thư viện, tủ sách PDF. In Email

 

Ngày 10.11.2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã  tổ chức Tọa đàm góp ý xây dựng Luật Thư viện, chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ Quốc hội Hoàng Thị Hoa chủ trì tọa đàm. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành TW, đại diện thư viện công cộng các cấp, thư viện Bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu thư viện.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8.6.2018 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 28.6.2018 của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai xây dựng Dự án Luật Thư viện. Dự thảo Luật Thư viện đã được đăng trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ VHTTDL để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong nhân dân.

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL Vũ Dương Thúy Ngà, hiện nay, thư viện công cộng bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành, 659 thư viện cấp huyện và hàng nghìn thư viện/tủ sách cấp xã và cơ sở. Các thư viện đa ngành, chuyên ngành bao gồm: Thư viện các trường đại học hoặc tương đương: gần 400 thư viện; Thư viện các trường phổ thông các cấp khoảng 26.000 thư viện; Thư viện các cơ quan nhà nước (Viện nghiên cứu, các Bộ, ngành TW): trên 100 thư viện. Đồng thời, có khoảng trên 60 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; Thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản và học tập suốt đời của mọi công dân, nâng cao dân trí, trình độ văn minh của người dân trong xã hội và nâng cao tố chất khoa học, văn hóa cho công dân, truyền bá tri thức nhân loại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi về sự cần thiết xây dựng Luật Thư viện, một số nội dung như: Thực trạng của thư viện công cộng, thư viện nhà trường, thư viện bộ/ ngành và thư viện số; đầu tư cho thư viện v.v....Theo ông Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn: Thư viện là xương sống của phát triển quốc gia. Ở đó, mọi tầng nhân dân có cơ hội tìm kiếm tri thức để lũy tích hiểu biết cho bản thân và xây dựng xã hội nhân văn, sáng tạo và thịnh vượng. Bởi thế, Dự thảo Luật Thư viện cần bảo đảm các yếu tố chính yếu, gồm: Thúc đẩy toàn xã hội tham gia xây dựng hệ thống thư viện, tủ sách rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, từ dòng họ đến gia đình, từ giáo xứ đến nhà chùa, từ trường học đến lớp học, từ trụ sở cấp xã đến điểm họp thôn xóm, từ võ đường đến khu chung cư, từ trụ sở ban ngành cấp huyện đến cấp Bộ; Xây dựng mạng lưới khuyến nghe và đọc ở mọi cấp và mọi lứa tuổi; Xây dựng mạng lưới thực hành và chia sẻ tri thức ở mọi ngành nghề, mọi cấp và mọi lứa tuổi. Chẳng hạn thiết lập câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ Khoa học, câu lạc bộ Văn học… trong nhà trường. Thiết lập các tổ khuyến nông, tổ khuyến thủ công…trong cộng đồng; và xây dựng hệ thống phương pháp khuyến đọc đối với các lứa tuổi khác nhau.

Theo Bà Nguyễn Thanh Hiền, Vụ Tài chính-Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính: Tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Thư viện cần đánh giá cụ thể hơn về mặt tài chính, dự kiến nguồn lực tài chính, trong đó có nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) để thực hiện các chính sách; không đưa chính sách miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu vào dự thảo Luật. Nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Phạm Thế Khang nhận xét: Dự thảo Luật còn nhiều điều chung chung, không cụ thể như Pháp lệnh Thư viện; có nhiều điều giao cho Chính phủ (7 nội dung) và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (11 nội dung) quy định. Nếu như vậy, Luật ra đời sẽ phải chờ một thời gian rất lâu mới có thể triển khai, thi hành.

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, Bà Kiều Thúy Nga phát biểu nhấn mạnh vai trò của Thư viện Quốc gia (qua việc tham khảo Luật Thư viện một số nước trên thế giới), nên Luật Thư viện cần lưu ý nhấn mạnh vai trò của Thư viện Quốc gia đối với các hệ thống thư viện ở VN; đồng thời góp ý, việc phân loại thư viện cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của thư viện, chứ không dựa vào chủ thể đầu tư. Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách và hướng dẫn vấn đề bản quyền trong thư viện để thực hiện các dịch vụ số hóa, sao chép. Đây là những vấn đề các thư viện đang rất vướng, và có cách hiểu không thống nhất, gây khó khăn cho hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thư viện, ĐHQG Hà Nội, giới thiệu kết quả nghiên cứu 10 năm về thư viện điện tử của ông và các cộng sự; cho rằng nên tập trung vào những điểm nóng của ngành thư viện khi phát triển thư viện thông minh như: Phát triển và quản trị dữ liệu lớn; Công nghệ thư viện thông minh; Chuyên gia thư viện thông minh; Người dùng tin thư viện thông minh...

Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh: Khi xây dựng dự thảo Luật Thư viện, Ban soạn thảo cần quan tâm nghiên cứu ngay từ tên của Luật, bố cục, văn phong; bổ sung đối tượng, phạm vi điều chỉnh, cũng như nghiên cứu kỹ về thư viện số, nhằm tạo điều kiện cho loại hình thư viện này phát triển, đồng thời đặc biệt lưu ý về bản quyền tác giả trong thư viện, tăng cường chia sẻ thông tin, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc và quyền tiếp cận thông tin của mọi người. Dự án Luật Thư viện dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ VII, Quốc hội khóa XIV./.

Một số hình ảnh cùng sự kiện

 2018-11-15-thuc-day- 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Hoàng Thị Hoa chủ trì buổi Tọa đàm

  2018-11-15-thuc-day- 2

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng, Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện ở Việt Nam

  2018-11-15-thuc-day- 3

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm

2018-11-15-thuc-day- 4 

Theo ông Nguyễn Quang Thạch (người ngồi bên phải), người sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn cho rằng: Thư viện là xương sống của phát triển mỗi quốc gia

_________

Tin và ảnh: Ng. Phương

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân, ngày 10/11/2018

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2021-dl-ads-1

saomai-logo-final