Home Tin tức Trí tuệ của con người
Trí tuệ của con người PDF. In Email

Khi tôi đi thanh niên xung phong, mẹ cho tôi hai bộ quần áo, một cái túi du lịch Trung Quốc và 20 đồng bạc. Tôi ra Tràng Tiền mua hết 20 đồng tiền sách.

Tôi vẫn còn nhớ như in, thứ nhất là Tuyển tập kịch Shakespeare được dịch bởi giáo sư Bùi Ý và cháu ông là Bùi Phụng. Tôi thuộc lòng những dòng tâm sự của Hamlet, những đau khổ của Othenlo, những giận dỗi và đểu giả của Macbeth, những toan tính của Coriolanus... tất cả đã trở thành đời sống tinh thần của tôi. Thứ hai là bộ sách Chiến tranh và Hoà bình do giáo sư Cao Xuân Hạo dịch. Thứ ba là Bài ca sư phạm của Makarenko và một vài bộ sách nữa.

2020-02-17-nguyen-tran-bat-2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt Nói về sách và việc đọc sách

Những năm tôi đi lính, trong ba lô của tôi, quần áo ít hơn sách. Có người thắc mắc, tại sao những năm ấy mà tôi lại biết Shakespeare, Makarenko, Lev Tolstoi. Khi nào sống trong nghèo khổ và cô đơn thì chúng ta sẽ hiểu, chỉ cần một giọt chữ thôi cũng có thể làm dịu được nỗi đau khổ của cuộc đời.

Tôi có cả bộ ba tiểu thuyết của Marxim Gorky: Thời thơ ấu, Kiếm sống và Những trường đại học của tôi. Khi đọc Marxim Gorky tôi cảm thấy sự nghèo khổ hay sự đau khổ của mình gần giống với nỗi đau khổ của cậu bé Peskov - Marxim Gorky lúc còn bé. Có một sự đồng cảm, đồng điệu nào đó giữa tôi và cậu bé Peskov. Tất cả những chuyện đó làm dịu bớt nỗi đau của tôi. Tôi không ham mê văn học như là một người đã biết rõ giá trị của các tác phẩm ấy, tôi ham mê văn học như câu chuyện Robinson Crusoe phải dạy cho con vẹt biết nói để mình nghe thấy tiếng người không chỉ phát ra từ miệng mình. Tôi đọc sách để tìm thấy một tiếng nói nào đó để an ủi nỗi cô đơn của một kẻ bị trôi dạt một cách cưỡng bức ra khỏi khát vọng của mình.

Con người đã trở thành một thực thể thông tin trong thế giới ngày nay. Qua quan sát và nghiên cứu, tôi đã rút ra một kết luận: thông tin có được đối với mỗi người không phải chỉ bằng việc đọc mà nó được "hút" vào miền ký ức, vào tiềm thức của mình bằng tình yêu đối với nó. Và khi ấy, thông tin mới trở thành sức sống của mình.

Không có thông tin thì không mô phỏng được đời sống thật. Nhiều người cứ tưởng rằng mình có kinh nghiệm, mình từng trải, mình ra đường là thấy ngay các vấn đề của cuộc sống. Nhưng không phải thế. Người ta tạo ra hình tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là để mô tả một cách thức con người nhận thức thế giới, tức là nhìn bằng một nghìn mắt và sờ bằng một nghìn tay. Sách và báo chí là công cụ nhìn và sờ của xã hội. Thiếu những thứ đó, bạn giống như đang ở tầng 10 mà cuộc sống thì ở tầng 1.

Với Internet, nhiều người trong xã hội, nhất là những người trẻ, có xu hướng ngại đọc sách, vì ngại mất thời gian, trong khi đó chỉ cần vài động tác (nhấp chuột) là có thể kiếm được rất nhiều thông tin trên mạng. Trong một buổi nói chuyện với sinh viên, có bạn hỏi tôi, "có những người đi làm như bố mẹ cháu do bận rộn nên một năm có khi chỉ đọc một quyển sách". Và người ta còn rất nhiều lý do để biện minh. Có người nói trên mạng rất nhiều thông tin mới, nếu chỉ đọc sách cũ thì không cập nhật được. "Chú có thấy điều đó đúng không?". Tôi trả lời rằng cách giải thích như vậy nghe thì thông minh nhưng không đúng.

Ta biết rằng người ta đang sản xuất ra rất nhiều loại phân bón để kích thích lá mọc nhưng không kích thích rễ. Khi lá trên cây nhiều quá mà rễ không đủ thì đấy là cơ thể sống nhân tạo chứ không phải là cơ thể tự nhiên. Cho nên, bận gì thì bận, chúng ta cũng không được quên nuôi bộ rễ.

Đọc sách là để nuôi bộ rễ, còn đọc những thông tin mới trên truyền thông là để nuôi bộ lá, và phải cân bằng giữa lá và rễ, đấy chính là sự cân bằng tự nhiên. Thông tin hàng ngày cũng giống như cái áo mặc xong là vứt. Và như thế nó không tạo ra cái cây, không tạo ra cơ thể, tức là không tạo ra một chỉnh thể về mặt trí tuệ.

Bây giờ, tôi nhớ đến những quyển sách cũ như nhớ đến những người bạn, như nhớ đến một thứ gì đó cố tri. Lúc nhỏ đọc truyện Không gia đình của Hector Malot, tôi thấy những quyển sách đi cùng với tôi và tuổi thanh niên của tôi giống hệt như là sự gắn bó của mấy đứa trẻ mồ côi, của cậu bé Remi và cậu bé Matchia nghèo khổ. Nếu đọc Tolstoi, người ta thấy Tolstoi quan sát cuộc sống một cách toàn diện, tinh tế và mô tả nó một cách tài hoa thì đọc Shakespeare, sẽ thấy đó là một festival tất cả trí khôn của con người. Những trí khôn, những mưu mẹo mà Shakespeare mô tả, ví dụ như mô tả ông chú của Hamlet, làm người ta bỗng nhiên thấy Shakespeare vĩ đại vì Shakespeare khôn ngoan trước loài người rất nhiều.

Những quyển sách ấy là những người bạn an ủi tôi và phải nói rằng các tác giả của chúng là thần thánh với tôi. Tôi không có điều kiện để theo bất kỳ tôn giáo nào cả, nhưng tôi có một tôn giáo rất quan trọng và đi theo suốt cuộc đời là vẻ đẹp được thể hiện bởi các tác giả vĩ đại.

Có thể thấy rằng việc đọc sách giúp con người hình thành năng lực nhận biết sự đẹp đẽ của những đối tượng xuất hiện xung quanh đời sống của mình, làm cho miền tinh thần của con người trở nên phong phú. Miền tinh thần không chỉ là các cảm xúc mà miền tinh thần là miền nhận thức. Khi nào con người có một miền tinh thần có chất lượng thì họ đã thay đổi về bản chất, từ một người bị động thưởng thức những thứ mình có trở thành một đối tượng có thể phát hiện và mách bảo. Bất cứ ai muốn trở thành con người hoàn chỉnh thì phải có hiểu biết, phải đọc.

Tuy nhiên, thái độ của chúng ta đối với việc đọc sách cũng là một vấn đề rất đáng lưu ý. Chúng ta đọc một quyển sách không phải để thuộc lòng câu này ai nói, nói năm nào, cũng không phải để biết tác giả ấy đang làm cái gì mà để tìm hiểu cái sáng tạo của anh ta hay ở chỗ nào và mình có thể bắt chước đến mức nào. Bởi vì nhiệm vụ của chúng ta là làm ra cái gì chứ không phải là biết người ta làm cái gì. Cái "ranh giới giác ngộ" khi đọc sách là một bức vách bằng kính, nhìn thì trong suốt nhưng nhiều khi không đi qua được. Có nhiều người đọc rất nhiều mà cuối cùng không hiểu, không ngộ ra được, đi qua cái tủ kính mà không vào trong đó được. Lý do rất đơn giản là họ học đủ thứ và trở thành tín đồ của những thứ mà mình học được và họ nhầm lẫn rằng trong sách có tất cả mọi thứ.

Trong cuộc đời có sách chứ không phải trong sách có cuộc đời. Sách là một bộ phận của cuộc đời chứ không phải sách thâu tóm toàn bộ cuộc đời. Nhiều người tưởng rằng sách vở, chữ nghĩa có thể thâu tóm cuộc đời nhưng không phải. Sách vở, chữ nghĩa là một bộ phận, là một lực lượng của cuộc sống, mà con người muốn thành đạt thì phải biết đến nhiều bộ phận như vậy chứ không phải chỉ có một.

Kết luận của tôi là đọc, nghe và nhìn càng nhiều càng tốt. Nhưng đừng vụ lợi khi đọc, đừng vụ lợi khi nghe và đừng vụ lợi khi nhìn. Trước hết hãy làm cho việc đọc, nghe, nhìn trở thành bản năng của con người. Khi nào con người gặp những thất thiệt do không đọc, không nghe, không nhìn thì con người sẽ thức tỉnh.

Tất cả những hoạt động tuyên truyền, cổ vũ cho văn hoá đọc cần phải được xác định với vai trò xây dựng những bản năng đọc của xã hội chứ không phải ý thức đọc. Trong khi đối với xã hội việc đọc, nghe, nhìn là bản năng thì đối với các cơ quan chuyên nghiệp là phải tổ chức một cách có ý thức, nhưng là ý thức của cơ quan ấy để tác động vào bản năng đọc, nghe và nhìn của xã hội.

Đừng gây ra áp lực bắt người ta phải đọc, bắt người ta phải nghe, bắt người ta phải nhìn. Và nhất là bắt người ta phải đọc, nghe, nhìn cái này hay cái kia thì càng nguy hiểm hơn./.

_____________

Hữu Giới sưu tầm và giới thiệu

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2022-kipos-ads-2

2021-dl-ads-1

2018-ted-ads-1

saomai-logo-final