Liên chi hội Thư viện các Trường đại học phía Bắc tổ chức Hội thảo khoa học “Thư viện thông minh 4.0: Công nghệ - Dữ liệu – Con người” In

 Thực hiện kế hoạch công tác năm 2018; Ngày 25/10/2018, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh); Liên Chi hội Thư viện các trường Đại học khu vực phía Bắc (NALA) phối hợp với Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (LIC) và Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thư viện thông minh 4.0: Công nghệ - Dữ liệu – Con người” (Hội Thảo có sự tài trợ của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và thông tin kỹ thuật (TED).

Tham dự Hội thảo có các đại biểu TW: TS. Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL; Ths. Kiều Thúy Nga; Giám đốc Thư viện Quốc gia VN; Ths. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện VN; TS. Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội Thư viện các trường Đại học khu vực phía Bắc; TS. Nguyễn Hoàng Sơn; Giám đốc Trung tâm Thông tin – thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội; Về phía đại biểu quốc tế, có: Ông Nir Sherwinter, Giám đốc Thiết kế kiến trúc giải pháp từ Tập đoàn Ex Libris Ixraen (Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) và Ông Camus Cheung, Giám đốc Phụ trách khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Ex Libris Ixraen). Về phía Trường Đại học Tôn Đức Thắng, có TS. Võ Hoàng Duy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Bà Trương Thị Ngọc Mai; Giám đốc Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng, cùng đông đảo gần 150 đại biểu là Giám đốc/Phó Giám đốc Thư viện và Trung tâm TT-TV các Trường đại học và cao đẳng thuộc khu vực Phía Bắc/Phía Nam tham dự Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc nhấn mạnh: “Sớm thích ứng là một trong những yêu cầu hàng đầu của người làm thư viện trong giai đoạn mới; do vậy, song song với việc đầu tư hệ thống quản lý thông minh và khai thác nguồn tài nguyên số một cách bài bản, thì việc đào tạo con người trong kỷ nguyên số, phục vụ Thư viện thông minh cho hiện tại và tương lai, sẽ đóng vai trò quan trọng & quyết định cho sự thành công của công tác thư viện trong Cách mạng công nghiệp 4.0”. Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hoạt động của thư viện cũng đã tiến thêm một bước mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành cũng như khai thác nguồn tài nguyên số. Khái niệm về thư viện thông minh, theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, Giám đốc Trung tâm thông tin-thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, đã được hình thành từ những năm đầu của thập kỷ 90 (thế kỷ XX) với việc ứng dụng máy tính vào hoạt động quản trị thư viện như: cổng thông tin thư viện, tìm kiếm theo từ khóa v.v.. Trải qua gần 30 năm liên tục phát triển, đến nay; Hệ thống thư viện đại học ở Việt Nam đang bắt đầu thế hệ thứ tư với việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data) …

Trao đổi và tham luận tại Hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đến từ Tập đoàn Ex Libris (Israel) với 2 tham luận: “Hệ sinh thái thư viện thông minh mới cho thư viện đại học-chiến lược phát triển và dịch vụ quản lý kết quả nghiên cứu”; và “Dịch vụ quản trị thư viện từ xa và phần mềm dịch dụ (SaaS”). Phía Việt Nam có các tham luận của: TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm thông tin-thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, với tiêu đề: “Các thư viện thế hệ thông minh (1990-2025”, Ths. Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam; với tiêu đề “Trí tuệ nhân tạo và tiềm năng ứng dụng trong hoạt động thư viện”; Bà Trương Thị Ngọc Mai, Giám đốc Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng, với tiêu đề:” Hệ thống quản lý tài nguyên khóa học tại Thư viện đại học Tôn Đức Thắng”. Ngoài ra, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận có giá trị (đã in thành sách phục vụ Hội thảo) về 3 trụ cột của Thư viện thông minh 4.0, đó là: Công nghệ-Dữ liệu-Con người. Phát biểu tại Hội thảo, Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện và ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội thư viện VN đã ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của Ban Tổ chức về hội thảo lần này. Đồng thời Lãnh đạo ngành thư viện VN cũng đề nghị Liên chi hội Thư viện các trường Đại học khu vực phía Bắc/Phía Nam thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phong phú (hội nghi-hội thảo, tập huấn...), nhằm tăng cường trao đổi học thuật-lý luận và thực tiễn về nghề thư viện ở trường đại học trong bối cảnh & tình hình mới; đồng thời đây cũng là dịp để các thư viện đại học phía Bắc và phía Nam giao lưu, học hỏi & trao đổi kinh nghiệm công tác thư viện phục vụ CMCN 4.0 ở Việt Nam.

Chiều ngày 25/10/2018, trong khuôn khổ & chương trình Hội thảo khoa học, các đại biểu đã tham quan thực tế tại Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Các đoàn khách tham quan thư viện thực sự ấn tượng về các công nghệ hiện đại cùng với phong cách thiết kế độc đáo của Thư viện TDTU; tính chuyên nghiệp trong công tác vận hành và quản lý thư viện; văn hóa ứng xử và kỷ luật của sinh viên trong trường. Điều này cho thấy đẳng cấp của TDTU trong giáo dục và khoa học công nghệ (là một trong 7 trường đại học tiên tiến nhất của Việt Nam, được lọt vào danh sách 300 trường đại học tốt nhất Châu Á năm 2018, do quốc tế bình chọn). Sau khi tham quan Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng; Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện VN đã chia sẻ:”Các vị khách trên khắp cả nước, từ miền Bắc, miền Trung và miền Nam, đến tham quan thư viện đều rất ấn tượng và khen ngợi về một mô hình thư viện hiện đại ở TDTU, với thông điệp “Thư viện truyền cảm hứng”. Chúng tôi đã tiếp cận tất cả các tầng của thư viện, kể cả khu vực học qua đêm 24/7, để tham quan và nhận thấy cách tổ chức bộ máy, cách phục vụ người dùng, tra cứu tài liệu và các hoạt động nghiệp vụ v.v.. nói chung đều theo một hướng rất hiện đại, rất mới. Có thể nói, Thư viện này đã đạt đến mức hiện đại như một số thư viện ở các nước tiên tiến trong khu vực và Châu Á. Tôi hy vọng càng ngày Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng sẽ ”truyền cảm hứng” đến thật nhiều thư viện ở Việt Nam, để cùng chung tay phát triển sự nghiệp Thư viện đại học ở Việt Nam"./.

Một số hình ảnhcùng sự kiện:

2018-10-30-hoi-thao- 1 

Quang cảnh Hội thảo khoa học

2018-10-30-hoi-thao- 2 

TS. Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc báo cáo Đề dẫn và phát biểu Khai mạc Hội thảo

 2018-10-30-hoi-thao- 3

Chuyên gia công nghệ của Tập đoàn Ex Libris (Israel) Ngài Nir Sherwinter trình bày tham luận

2018-10-30-hoi-thao- 4 

Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam trình bày tham luận

2018-10-30-hoi-thao- 6 

Các đại biểu tham quan hệ thống mượn/trả sách tự động và Máy rửa sách (máy làm sạch sách) trong Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng

2018-10-30-hoi-thao- 7 

Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện VN phát biểu cảm nhận về Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng

 2018-10-30-hoi-thao- 5

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo ngành thư viện Việt Nam và BTC Hội thảo

   ___________

 Bài và ảnh: PV & HG.