Hội Thư viện Việt Nam: Không ngừng đổi mới cả về lượng lẫn về chất In

Hội Thư viện Việt Nam được thành lập từ năm 2006, là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Những năm gần đây, Hội đã có nhiều kết quả hoạt động khá tiêu biểu, đạt được một số kết quả tốt trong việc thúc đẩy công tác thư viện, nâng cao văn hóa đọc ở Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển. Đặc biệt, Hội đã tích cực, thường xuyên tham gia các hoạt động truyên thông-phổ biến kiến thức KHKT và tư vấn, phản biện và giám định xã hội (theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội) trên các diễn đàn của Liên hiệp Hội Việt Nam cũng như trong pham vi cả nước. Để có thêm thông tin về những nội dung trên, Phóng viên Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có cuộc trao đổi với  Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam về vấn đề này.

 2019-01-24-ct-01

Thạc sĩ  Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam trả lời phòng vấn.

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Hội Thư viện Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Ths. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam: Từ khi thành lập đến nay, qua hơn 12 năm hoạt  động, Hội đã tổ chức được 03 Đại hội đại biểu toàn quốc  (vào các năm: 2006, 2011 và 2016). Mỗi nhiệm kỳ hoạt động của Hội Thư viện đã đánh dấu những chặng đường phát triển, để lại dấu ấn của mình trong việc thúc đẩy công tác thư viện và văn hóa đọc ở nước ta. Đặc biệt tính từ đầu nhiệm kỳ thứ III (tháng 11/ 2016) đến nay; tính về mốc thời gian cơ học-vật lý, thì Hội mới đi được non nửa chặng đường của mình, song có thể nói Hội đã đạt được một số thành tích hiệu quả nhất định trong công tác Hội cả về số lượng và chất lượng; đó là:

- Ngày sau khi tổ chức Đại hội nhiệm kỳ III, Hội đã ổn định tổ chức, bộ máy của Trung ương Hội Thư viện (bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Thường vụ, Ban chấp hành, Ban kiểm tra và các ban công tác chuyên môn (có 5 ban); giúp việc cho Hội hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị Quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2016-2021) của Hội Thư viện Việt Nam.

- Thường vụ Hội đã kịp thời Ban hành các Quy chế (làm cẩm nang để duy trì hiệu quả các hoạt động Hội trong nhiệm kỳ), đó là: Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chấp hành Hội; Quy chế chi tiêu nội bộ của BCH Hội và các Quy chế tổ chức và hoạt động của các Liên Chi hội; các Chi hội thư viện trực thuộc Hội Thư viện VN…

- Hằng năm, Hội Thư viện Việt Nam xây dựng Báo cáo tổng kết năm (2016-2017-2018); trong đó có kế hoạch hoạt động cho năm sau, trên tinh thần: Bám sát chức năng, nhiệm vụ của Hội và dựa trên tình hình, kế hoạch công tác của Liên hiệp Hội Việt Nam cũng như tình hình và thực tiễn của ngành thư viện ở Việt Nam…

- Bên cạnh việc tổ chức kết nạp hội viên mới; trong công tác chỉ đạo, điều hành, hằng năm, Hội Thư viện Việt Nam đã phối hợp với Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL và Thư viện Quốc gia Việt Nam có công văn chỉ đạo các Chi hội thư viện thành viên thực hiện các nội dung quan trọng, đó là: Triển khai thực hiện các văn bản pháp quy về công tác thư viện; Xây dựng kế hoạch tổ chức và phối hợp tổ chức Ngày sách Việt Nam (21/4) trên địa bàn; tổ chức Triển lãm báo Xuân hằng năm; tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn nghiệp vụ..., đặc biệt là tăng cường và đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, thông qua các kho tư liệu của thư viện, nhằm thu hút bạn đọc đến thư viện ngày càng nhiều hơn. Với hình thức này, nhiều Chi hội & Liên Chi hội thư viện trong nước đã chủ động triển khai kế hoạch công tác của mình, đem lại hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên kể từ khi thành lập Hội, Hội đã tổ chức được buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cuộc gặp này đã được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy ghi nhận và đánh giá cao.

Trong những năm qua, Hội đã rất chú trọng 2 mặt hoạt động, đó là: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và Tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên các diễn đàn Liên hiệp Hội Việt Nam cũng như trong hệ thống thư viện ở Việt Nam. Bởi lẽ, hiện nay, công tác thư viện và văn hóa đọc nước ta đang có xu hướng bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn; nên Chính phủ đã đề nghị Quốc hội đưa vào kế hoạch lập pháp năm 2019; sẽ cho ý kiến; thông qua Luật Thư viện. Đây sẽ là “cây gậy pháp lý” để chúng ta chấn hưng văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, trong CMCN 4.0. Đồng thời ý kiến tham gia, góp ý kiến trên các diễn đàn của Liên hiệp Hội Việt Nam của Lãnh đạo Hội thư viện, vừa góp thêm tiếng nói xây dựng, vừa góp phần quảng bá hình ảnh, “thương hiệu” của Hội Thư viện Việt Nam trong không gian mái nhà chung của Liên hiệp Hội VN.

Tóm lại, về nhiệm kỳ thứ III của Hội; chúng tôi mới chỉ đi được gần ½ chặng đường; song điều quan trọng là: Toàn thể Ban lãnh đạo Hội, Ban Thường vụ và BCH Hội (dù có tới 98% ủy viên BCH Hội là kiêm nhiệm, lại phân bố rải rác ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam); song Hội đã có nhiều sáng kiến và sáng tạo để không ngừng đổi mới (cả về lượng lẫn về chất) và tổ chức các hoạt động trong bối cảnh đât nước đang có nhiều đổi mới, phù hợp với xu thế chung của thời cuộc, của sự vận động chung của thế giới và không ngừng đổi mới.

PV: Được biết, Hội luôn chú trọng tới hoạt động phổ biến kiến thức và đặc biệt là hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, xin ông có thể cho biết Hội Thư viện đã đạt được kết quả ra sao và gặp những khó khăn gì?

Ths. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam: Như trên đã nói hoạt động Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và Tư vấn, phản biện; giám định xã hội là 2 hoạt động rất quan trọng (có thể nói là trọng tâm của tổ chức xã hội-nghề nghiệp), chính vì vậy Hội đã luôn chú trọng, chủ động và thường xuyên thực hiện tốt cả 2 nhiệm vụ này. Sau đây là 1 số kết quả cụ thể:

* Về hoạt động Tư vấn, giám định và phản biện xã hội

Thứ nhất, Hội tập trung vào việc Tư ấn, phản biện về Hồ sơ Dự thảo Luật Thư viện. Sau một thời gian triển khai, chúng tôi thu được kết quả như sau:

- Có hơn 100 ý kiến góp ý, phản biện xã hội cho Dự thảo Luật Thư viện, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có tính xây dựng.

- Đặc biệt, qua các ý kiến góp ý, phản biện gửi về Hội, chúng tôi đã tập hợp và gửi báo cáo bằng văn bản với nhiều nội dung góp ý cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Bộ tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn chỉnh bộ Luật Thư viện.

Thứ hai, Hội tổ chức và tham gia phản biện các Văn bản pháp quy và Đề án/Đề tài nghiên cứu khoa học về công tác thư viện (tổng số 7 văn bản pháp quy, đề án, đề tài khoa học cấp Bộ, cấp thành phố). Trong năm 2 năm (2017-2018), Hội Thư viện đã tham gia phản biện 1 số Văn bản pháp quy, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học ngành thư viện như: Thông tư của Bộ VHTTDL về phục vụ thư viện lưu động và luân chuyển sách báo (đã ban hành năm 2018); Quy chế xét giải thưởng phát triển văn hóa đọc (đã ban hành năm 2018); 02 Đề tài Khoa học cấp Bộ: “Mô hình và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin ở VN trong điều kiện xã hội thông tin hiện đại” và “Hoàn thiện mô hình thư viện số tại Thư viện Quốc gia VN và thư viện tỉnh thành phố trực thuộc TW”; Góp ý các đề tài khoa học cấp Bộ: “Quy tắc biên mục Mô tả và truy cập tài nguyên - RDA”. Và góp ý cho 01 Tiêu chuẩn Việt Nam về thư viện. “ Thu thập, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu địa chí Thăng Long - Hà Nội phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội (đề án cấp thành phố). “ Rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội (đề án cấp thành phố)” v.v....

* Về hoạt động Tuyên truyền, phổ biến kiến thức

Từ nhiều năm nay đã được Hội luôn chú trọng triển khai; nhằm vừa góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước vào cuộc sống, thông qua các cuộc trưng bày, triển lãm sách báo (cả ở TW và các tỉnh/thành địa phương); đặc biệt thông qua các Ngày Sách Việt Nam nhằm lan tỏa tri thức, kiến thức vào trong cộng đồng-khu dân cư; hình thành thói quen đọc trong nhân dân. Đây là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong hoạt động Hội thư viện trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, Hội đã có công văn đề nghị các Chi hội & Liên Chi hội thành viên tích cực triển khai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn nghiệp vụ..., Được biết khoảng 3 năm trở lại đây, các hoạt động nói trên đã được các thư viện cả nước triển khai thực hiện đồng bộ và rất hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực (đặc biệt là các vấn đề mới trong lĩnh vực thư viện, như: Thư viện với cách mạng 4.0; Thời cơ & thách thức của thư viện VN trong kỷ nguyên số; Truy cập mở, liên thông trong lĩnh vực thư viện; Sử dụng CSDL dùng chung trong thư viện,... Các lớp tập huấn nhằm mục đích nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ thư viện  trong xu thế hội nhập & phát triển. Có thể nói hệ thống thư viện ở nước ta thực sự là một hệ thống rộng lớn cả bề rộng & chiều sâu (có tới gần 30 ngàn đơn vị thư viện). Khi công tác truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ được lan tỏa từ TW đến các địa phương, thì sức hút đối với nghề nghiệp, của hội viên của Hội & Bộ chủ quản (Bộ VHTTDL) sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn (trong đó có cả việc nâng cao vai trò và vị thế, “thương hiệu” của Hội Thư viện VN).

Tiếp đến là Hội đã tận dụng và sử dụng tối đa phương tiện và công cụ mới hiện đại, đó là trang Web của Hội. Có thể nói từ năm 2011 đến nay, trang web của Hội đã hoạt động khá ổn định, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, kịp thời với chất lượng nội dung tốt về hoạt động của Hội và các chi hội-Liên Chi hội cũng như của ngành Thư viện Việt Nam. Vì hiện tại Hội hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính và tự quản, nên kinh phí rất hạn hẹp, Hội không thể ra được tạp chí chuyên ngành thư viện của Hội; nên Ban Lãnh đạo Hội chọn giải pháp tối ưu là sử dụng trang web để tạo sự kết nối và liên thông giữa các cơ quan thông tin - thư viện trong toàn bộ hệ thống thư viện ở Việt Nam. Đây có thể coi như một cuộc cải cách, một bước đột phá quan trọng và cần thiết, phục vụ cho Cách mạng công nghiệp 4.0, cho sự phát triển của ngành thư viện Việt Nam.

* Về một số khó khăn trong hoạt động Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và Tư vấn, giám định và phản biện xã hội, đó là:

- Về nhân lực: Hội có khá nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thư viện, song hầu hết các đ/c đang kiêm nhiệm công tác chính quyền, không có nhiều thời gian dành cho công tác Hội.

- Về cơ cấu tổ chức, bộ máy: Văn phòng Hội có rất ít người: Chủ tịch Hội chuyên trách và 1/2 người kiêm nhiệm (thủ quỹ, văn thư). Hội có 5 ban công tác (Ban tổ chức, Ban nghiên cứu khoa học, Ban hợp tác quốc tế, Ban tài chính, Văn phòng); nhưng không có Ban truyền thông và phổ biến kiến thức, cũng không có Ban Tư vấn, giám định &phản biện xã hội. Đây là khó khăn lớn khi chúng tôi triển khai các công tác truyền thông, phổ biến kiến thức và Tư vấn, giám định và phản biện xã hội về thư viện

- Về nguồn lực: Kinh phí của Hội nói chung và kinh phí dành cho 2 nội dung công tác nêu trên cực kì ít ỏi. Các hội nghị, hội thảo, tập huấn...có khi phải tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, cơ quan trong nước và tổ chức quốc tế. Khi Hội tổ chức hội nghị, hội thảo ở các địa phương đều phải nhờ sự hỗ trợ của chi hội nơi sở tại.

- Về cơ sở vật chất và trang thiết bị: Trang web của Hội hoạt động rất hiệu quả nhiều năm nay, nhưng ngoài máy chủ và người phụ trách công nghệ (nhờ Thư viện Quốc gia Việt Nam), các phần còn lại: biên tập & duyệt bài vở, chúng tôi đều phải thực hiện mà không có thù lao.

PV: Trong năm 2019, Hội có phương hướng nào để nhằm phát triển Hội lớn mạnh hơn nữa không thưa ông?

Ths. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam: Trong năm 2019 và những năm tiếp theo cho tới hết nhiệm kỳ (năm 2021); Lãnh đạo Hội luôn xác định những nhiệm vụ trong tâm-trọng điểm trong hoạt động của mình, đó là: Thực hiện sự đoàn kết-nhất trí cao trong tập thể Lãnh đạo Hội; Ban Thường vụ và Ban chấp hành Hội; duy trì; củng cố tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh. Ngoài ra, trong năm nay chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tư vấn, giám định và phản biện xã hội; đồng thời tích cực tham gia, góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật Thư viện (trình Quốc hội ban hành năm 2019) và các VPPQ về công tác thư viện ở Việt Nam. Hội Thư viện cần thường xuyên và tích cực tham gia các hoạt động và diễn đàn của Liên hiệp Hội Việt Nam; có nhiều ý kiến góp ý, xây dựng về các hoạt động chung của Liên hiệp hội.  Bên cạnh đó, Hội Thư viện VN cần chủ động, sáng tạo và đổi mới các hoạt động; nhằm “phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, biến thách thức thành thời cơ và cơ hội” để hoạt động của Hội Thư viện VN ngày càng lan toả trong xã hội, có “thương hiệu”; nâng cao vị thế và có uy tín trong giới chức-ngành thư viện ở Việt Nam; phục vụ hiệu quả cho công cuộc CNH-HĐH đất nước./.                                                    

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc Hội Thư Viện Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa!

__________

Phóng viên Hồng Thanh (trang tin VUSTA)